Hiển thị các bài đăng có nhãn toan canh. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn toan canh. Hiển thị tất cả bài đăng

6/11/2012

Đề nghị Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giúp nông dân thoát “thương lái lừa Trung Quốc”


Chỉ trong một thời gian ngắn, liên tiếp xảy ra tình trạng  thương lái Trung Quốc đặt mua hàng khối lượng lớn nhưng rồi "một đi không trở lại", hay lúc đầu cố tình đẩy giá mua lên cao để kêu gọi đại lý gom hàng, đến khi các đại lý gom hàng số lượng lớn thì bỏ đi hay tìm cách ép giá...Khiến nông dân Việt Nam ở nhiều vùng lâm vào  cảnh bi đát

Chiêu tạo lòng tin để lừa đảo của thương lái Trung Quốc

Những chiêu thức như thế được các thương lái Trung Quốc áp dụng liên tục. Đầu tiên là nông sản buôn bán tiểu ngạch qua biên giới; rồi họ lấn dần vào tận Năm Căn - Cà Mau mua cua, sầu riêng Tam Bình (Tiền Giang), khoai lang Bình Tân (Vĩnh Long), khóm ở Tân Phước (Tiền Giang). Nay thương lái Trung Quốc tiếp tục "ra chiêu" với âm mưu muốn thôn tính luôn thạch dừa Bến Tre...
Cần nhắc lại những thương vụ khó hiểu của thương lái Trung Quốc mà ai cũng phải đặt vấn đề “có gì đó bất thường”. Những năm 1997-1998, thương lái Trung Quốc sang Việt Nam mua mèo với giá cao, hậu quả là mèo gần như biến mất, nông dân phía Bắc phải chịu đại dịch chuột hoành hành, ảnh hưởng nặng đến mùa màng. Đến năm 2002-2003, thương lái Trung Quốc lại giở chiêu trò mua móng trâu với giá cao, gây ảnh hưởng nặng đến sức kéo của bà con nông dân nghèo phía Bắc...Còn nhiều nữa những phi vụ khó hiểu, bất thường do thương lái Trung Quốc gây ra. 
Thương lái Trung Quốc ung dung “chỉ đạo” thu mua cá tươi tại Nha Trang
Làm sao tránh” thương lái lừa” 

Chính phủ, Chính quyền địa phương 

- Người dân đang bức xúc, phải làm gì đó để chặn đứng, ngăn ngừa những câu chuyện bất thường từ một số thương lái Trung Quốc. Chúng ta không nghĩ đến chuyện cấm cản khi Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới. Nhưng mở cửa cũng không có nghĩa là mở toang, mà tất cả đều phải tuân theo pháp luật, đó là những gì chúng ta đã cam kết với thế giới. Người dân hoan nghênh những thương nhân nước ngoài làm ăn theo đúng pháp luật Việt Nam, nhưng họ cũng muốn nhanh chóng phải loại bỏ những người làm ăn chụp giật, lừa đảo; những kẻ thiếu đạo đức kinh doanh, kiếm tiền hoặc làm giàu từ hoạt động bất chính.

- Nông nghiệp Việt Nam vẫn chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ, người dân vẫn tự lo đầu vào và đầu ra. Với đầu ra, hàng hóa hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái thì đâu cứ thương lái nước ngoài mới ép giá mà thương lái trong nước cũng vậy. Không thể trách nông dân vì sau bao ngày chăm sóc ai cũng muốn bán sản phẩm của mình với giá cao nhất, nhanh nhất. Một khi nhà máy chế biến nông sản trong nước không bắt tay liên kết với nông dân để xây dựng vùng trồng, bao tiêu đầu ra với giá cả hợp lý thì đừng nên trách sao nông dân bán cho thương lái Trung Quốc trong khi nhà máy mua không đủ nguyên liệu chế biến. Nếu không có ràng buộc thì bán cho ai cũng là bán, tất nhiên người dân sẽ chọn người trả giá cao hơn.
thương lái Trung Quốc yêu cầu các doanh nghiệp Việt Nam trộn gạo trắng thường với gạo
 thơm theo tỉ lệ 50:50 rồi mua về nước bán với mác gạo thơm 
- Hệ thống luật pháp của chúng ta không thiếu hoặc lỏng lẻo đến mức không thể trị được những thương nhân nước ngoài làm ăn chụp giật. Vấn đề là phải nâng cao hiệu quả quản lý của chính quyền địa phương. Nếu quản lý đúng pháp luật thì chẳng ai có thể liên tục lừa lọc. Chắc chắn khi các cơ quan chức năng sâu sát, cảnh giác và kiên quyết hơn, mọi người dân sẽ cộng tác để cùng vạch mặt những thương nhân nước ngoài không tuân thủ luật pháp. Ngay lúc này, hệ thống khuyến nông cũng sớm vào cuộc để tư vấn, trang bị cho nông dân những kiến thức cần thiết, giúp họ trở thành người đầu tiên phát hiện những “chiêu, trò” lừa đảo của một số thương nhân bất chính.

- Việc quản lý cách thức thanh toán trong hoạt động XNK còn thiếu chặt chẽ, nhiều kẽ hở trong hoạt động thương mại của nông dân và chủ đại lý Việt Nam với thương nhân Trung Quốc. Vì vậy, các ngành chức năng địa phương cần kiểm soát chặt chẽ việc thu mua hàng hóa “bất thường” này. Đồng thời, cần có sự liên kết giữa sản xuất và tiêu dùng nhằm giữ giá ổn định, tránh tranh mua giành bán. Để quản lý hoạt động thu mua nông, thủy sản tốt, các cơ quan chức năng và DN phải nghiêm chỉnh thực hiện nghiêm túc Quyết định 80 của Chính phủ thông qua các hợp đồng để đảm bảo đầu ra ổn định cho nông, thủy sản ở ĐBSCL.

- Không thể coi việc thương lái Trung Quốc đến tận ruộng Việt Nam mua gom nông sản rồi đưa về nước trong một thời gian dài là điều bình thường trong thương mại tự do. Càng không thể coi hàng loạt vụ quỵt nợ khi thương lái Trung Quốc lật kèo, hoặc một đi không trở lại để người dân lãnh mọi hậu quả là cái giá phải trả khi trước đó chính họ đổ xô đi trồng.

- Trách nhiệm của các cơ quan chức năng địa phương ở đâu khi họ để thương lái Trung Quốc tùy tiện buôn bán trên địa bàn mà họ quản lý? Bên cạnh chính quyền, tại các địa phương đều có nhiều tổ chức gắn liền với người dân như hội nông dân, hội làm vườn...nhưng các hội này chưa phát huy vai trò khuyến cáo hay hỗ trợ nông dân.

- Đến nay, chính quyền địa phương nơi có thương lái Trung Quốc đến mua gom nông sản vẫn chỉ dừng lại ở mức độ khuyến cáo bà con nông dân cảnh giác trong buôn bán với thương lái nước ngoài. Cách làm này từ trước đến nay đều không có tác dụng, không kiểm soát được người mua là ai thì khi xảy ra tranh chấp người dân phải lãnh hết hậu quả. Tất nhiên, chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể cũng khó có thể giúp từng nông dân riêng lẻ trong việc ký hợp đồng buôn bán với thương lái. Nhiều nông dân của Việt Nam  còn chưa đọc thông viết thạo thì làm sao có đủ khả năng đàm phán hợp đồng. Do đó, rất cần thiết phải tổ chức lại sản xuất, liên kết nông dân vào các tổ chức hợp tác xã kiểu mới để tổ chức này đại diện cho nông dân đàm phán hợp đồng với các đối tác. Từ nhu cầu của khách hàng, hợp tác xã sẽ triển khai đến các xã viên để sản xuất theo hợp đồng. Có như vậy, sản phẩm của người dân làm ra được bao tiêu với giá cả hợp lý và quyền lợi của nông dân mới được đảm bảo trong trường hợp có tranh chấp.

- Để tránh những chuyện đáng tiếc lặp lại, chính quyền địa phương cần phải kiểm soát được những thương lái nước ngoài để buộc họ làm ăn theo đúng pháp luật Việt Nam, đảm bảo thực hiện đúng hợp đồng và hạn chế rủi ro cho nông dân. Các tổ chức đoàn thể tại địa phương phải góp sức khuyến cáo bà con nên buôn bán có hợp đồng, không chạy theo phong trào để rồi tiền mất tật mang.

Nông dân 

Việc giữ thị trường Trung Quốc là rất cần thiết, tăng cường làm ăn với thương nhân Trung Quốc cũng rất quan trọng. Tuy nhiên, khi làm ăn với Trung Quốc, Nông dân Việt Nam phải luôn "cảnh giác”, "cẩn thận” ở trong đầu là không thừa chút nào. Không nên cả tin, chạy theo lợi nhuận trước mắt, để rồi bị mắc bẫy của thương lái Trung Quốc. Nếu khi giao dịch mua bán không chịu làm hợp đồng rõ ràng cụ thể, không tìm hiểu kỹ nguồn gốc, địa chỉ của đối tác phía Trung Quốc, cuối cùng gánh chịu nhiều thiệt hại.

Bạch Dương 

Kêu gọi Trung Quốc đóng cửa ‘Hoàn cầu Thời báo’ vì “sặc mùi thuốc súng”


Việc đăng tải nhiều bài báo mang tính chất dân tộc chủ nghĩa, thậm chí “sặc mùi thuốc súng”, khiến người ta tự hỏi “Hoàn cầu Thời báo” của Trung Quốc sinh ra để làm gì?

Lợi bất cập hại

Đã đến lúc Trung Quốc phải khai tử “Hoàn cầu Thời báo”! Đó là lời khuyên của học giả người Hàn Quốc Seong Hyon Lee, tốt nghiệp Đại học Harvard danh tiếng và là chuyên gia nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu truyền thông quốc tế của Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh.

Trên báo Tài Kinh (Tạp chí Tài chính), học giả Seong Hyon Lee viết rằng “Hoàn cầu Thời báo” là “một trong những kẻ thù tệ hại nhất đối với nền ngoại giao nhân dân của Trung Quốc và đã đến lúc Trung Quốc cần phải ‘khai tử’ tờ báo này!”.

Ông Seong Hyon Lee cho biết rất nhiều người nước ngoài quan tâm đến “Hoàn cầu Thời báo” (Global Times) Quốc bởi biết rõ nó phản ánh “những quan điểm bên trong” (không nói ra) của đảng cầm quyền, nhất là khi tờ báo này lại được kiểm chứng dưới nhãn hiệu của “Nhân dân Nhật báo” – cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ông nhận xét “Hoàn cầu Thời báo” đang “vẽ” lên một Trung Quốc gặp nguy khốn, bị vây bủa tứ bề. Cứ theo hình ảnh mà tờ báo này “vẽ”, Trung Quốc là một đất nước bị cô lập, không có mấy bạn bè, các thiện ý của nó luôn bị giải thích sai lệch. Do vậy, Trung Quốc phải “tả xung, hữu đột” để thoát khỏi vòng vây.
hình minh họa
Đối với độc giả trong nước, theo ông Lee, thế giới mà “Hoàn cầu thời báo” vẽ ra là một thế giới nguy hiểm và đầy rẫy những âm mưu. Bởi vậy, người đọc của tờ báo này dễ bị tiêm nhiễm “tâm trạng của kẻ bị vây hãm”, luôn cảnh giác với thế giới bên ngoài. Về mặt tâm lý, những người đọc này có nguy cơ đánh mất sự tự tin. Từ chỗ liên tục bị lặn hụp trong những ngộ nhận, họ sẽ đâm ra ngờ vực và thù nghịch thế giới bên ngoài.

Học giả Seong Hyon Lee viết: “Trên thực tế, đất nước Trung Quốc đang hiển hiện một cách đáng sợ trong con mắt người nước ngoài”.

Theo nghiencuubiendong.vn, một ví dụ điển hình là giữa lúc căng thẳng Trung Quốc-Philippines lên đến đỉnh điểm về bãi cạn Scarbourough hồi cuối tháng 5/2012, “Hoàn cầu Thời báo” đã kêu gọi thành lập “binh đoàn xây dựng Nam Hải (Biển Đông)”. Theo “Hoàn cầu Thời báo”, binh đoàn này sẽ bao gồm các đoàn khảo sát dầu khí, đoàn sản xuất nghề cá, đoàn xây dựng cơ sở vật chất. Các đoàn đội này cũng có cả tàu sản xuất, tàu hộ vệ vũ trang và tàu hậu cần, hình thành mạng lưới liên kết chặt chẽ, khi xảy ra khủng hoảng có thể phối hợp ứng phó. Trung Quốc có thể…rút một số tàu không chủ lực của hải quân để tham gia “binh đoàn xây dựng và sản xuất” ở Biển Đông. Trung Quốc có thể cân nhắc thu hồi một hoặc một số đảo ở Biển Đông hiện nằm trong tay các nước khác.

Học giả Seong Hyon Lee kết luận: “Khi Trung Quốc và phương Tây nay đang cọ xát với nhau về nhiều vấn đề như mô hình phát triển và các hệ thống giá trị, thì việc giương cao ngọn cờ chủ nghĩa yêu nước sẽ dễ dàng thu hút sự chú ý của độc giả, nhờ đó tăng được số lượng phát hành và thu được nhiều quảng cáo. Nhưng người ta lại đang tự hỏi liệu đó có phải là chủ nghĩa yêu nước đích thực hay là thứ chủ nghĩa yêu nước ‘giả cầy’ vì mục tiêu thương mại?”.

Đôi nét về ‘Hoàn cầu Thời báo’

“Hoàn cầu Thời báo”, ra đời năm 1993, có hai ấn bản tiếng Trung và tiếng Anh (Global Times), nội dung không khác nhau nhiều lắm. Nếu tính về lượng độc giả, “Hoàn cầu Thời báo” là tờ báo đứng thứ thứ ba Trung Quốc, với 2,4 triệu người đọc báo in mỗi ngày. Báo điện tử có tới 10 triệu lượt độc giả.

Trụ sở của “Hoàn cầu Thời báo” nằm trong tổng hành dinh của “Nhân dân Nhật báo”, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Các biên tập viên cao cấp của “Hoàn cầu Thời báo” hàng ngày tới nhiệm sở trong tòa nhà được canh gác chặt chẽ ở phía Đông thủ đô Bắc Kinh để làm việc cần mẫn tới 14 tiếng đồng hồ. Trong thời gian bận rộn đó “họ đặt và biên tập các bài báo cũng như xã luận về nhiều chủ đề: từ khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Trung Quốc tại Biển Đông, thái độ ma mãnh của Mỹ trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, tới lượng bia rượu khổng lồ mà các quan chức nhà nước tiêu thụ…”.

Thời gian gần đây, khi nhiều cơ quan truyền thông ở Trung Quốc đã phải thương mại hóa bằng nhiều cách khác nhau, “Hoàn cầu Thời báo” lại chọn cho mình con đường dân tộc chủ nghĩa để tăng lượng độc giả. Tờ báo này được bên ngoài chú ý không phải vì các bản tin mà qua các bài xã luận đanh thép, đại loại như đại loại như các nước láng giềng nếu không thay đổi lập trường sẽ phải “sẵn sàng nghe tiếng đại bác”.
Hình minh họa
Tổng biên tập “Hoàn cầu Thời báo” là Hồ Tích Tiến, ngoại ngũ tuần, từng học về đối ngoại quốc phòng ở Nam Kinh và có bằng thạc sĩ văn học Nga của Đại học Bắc Kinh. Ông này từng là phóng viên chiến trường và ham viết xã luận. Jeremy Goldkorn – chuyên gia về truyền thông Trung Quốc và sáng lập viên của mạng Danwei.org – nói rằng Tổng biên tập Hồ Tích Tiến đã thành công trong việc kết nối cái gọi là “giáo dục tinh thần yêu nước” và vai trò kiếm tiền của tờ báo trong thời buổi không còn bao cấp nữa.

Một trong những điều Tổng biên tập Hồ Tích Tiến khoái nhất là đưa ra các nhận định trái chiều. Thí dụ, trong khi các báo và các trang mạng xuýt xoa về việc Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đi ăn tối tại một quán mì bình dân hay phong thái bình dị của tân đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Gary Locke, “Hoàn cầu Thời báo” nói toạc ra: “Để bảo đảm an ninh cho ông Biden ở quán mì ven đường còn tốn kém gấp nhiều lần so với ăn ở Nhà khách Chính phủ”.

Minh Bích(DVO) 

6/09/2012

Hoạt động, chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nổi bật trong tuần 2/6/2012


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Mỹ dỡ lệnh cấm bán vũ khí đối với Việt Nam, Armenia sớm thiết lập cơ chế hợp tác song phương...Đánh giá việc quy hoạch, thành lập, hoạt động của các khu kinh tế; tăng cường xử lý hành vi chạy xe quá tốc độ, quá tải trọng, uống rượu bia lái xe; đảm bảo tiến độ các dự án cấp điện cho miền Nam...là những thông tin hoạt động, văn bản chỉ đạo điều hành của Thủ tướng Chính phủ đã được nhân dân quan tâm theo dõi trong tuần từ ngày 4-8/6/2011.

Việt Nam-Armenia sớm thiết lập cơ chế hợp tác song phương

Hội kiến với Tổng thống Cộng hòa Armenia Serzh Sargsyan, thăm chính thức nước ta vào ngày 8/6, tại Trụ sở Chính phủ. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị hai bên cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hợp tác song phương, tạo điều kiện tăng nhanh kim ngạch thương mại hai chiều. Đồng thời tăng cường trao đổi đoàn các cấp, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ doanh nghiệp hai nước thúc đẩy các hoạt động hợp tác đầu tư. Bên cạnh đó, hai bên sớm thiết lập các cơ chế hợp tác song phương phù hợp nhằm phối hợp triển khai hợp tác hiệu quả trên lĩnh vực kinh tế, thương mại, khoa học kỹ thuật, giáo dục đào tạo, du lịch…
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chào mừng Tổng thống Serzh Sargsyan sang thăm chính thức Việt Nam
Gắn kết hiệu quả đối ngoại nhân dân và ngoại giao Nhà nước

Làm việc với Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam vào ngày 4/6, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định chủ trương mở mặt trận đối ngoại nhân dân là chủ trương hết sức đúng đắn và sáng tạo của Đảng. Cùng với hoạt động ngoại giao Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân đã đóng góp rất lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây, cũng như đóng góp vào thành tựu xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội chung của đất nước ngày nay, làm cho bạn bè quốc tế ngày càng hiểu rõ hơn về đất nước và con người Việt Nam. Cần gắn kết chặt chẽ, hiệu quả hoạt động đối ngoại nhân dân với ngoại giao Nhà nước, góp phần tạo môi trường hòa bình, ổn định cho sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm việc với lãnh đạo Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam
Đề nghị Mỹ dỡ lệnh cấm bán vũ khí đối với Việt Nam

Tại buổi tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta, chiều 4/6, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam mong muốn cùng với phía Mỹ thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ giữa hai nước, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học, công nghệ, giáo dục, đào tạo và ứng phó các vấn đề toàn cầu và khu vực như chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, an toàn và an ninh biển, ứng phó biến đổi khí hậu cùng những lĩnh vực khác vì lợi ích chính đáng của nhân dân hai nước, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh hai bên cần nỗ lực hơn nữa trong quá trình xây dựng niềm tin và nâng tầm quan hệ hợp tác giữa hai nước. Để phục vụ mục tiêu này, Chính phủ Mỹ cần sớm bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam và đóng góp tích cực hơn nữa trong việc giải quyết hậu quả chiến tranh.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Leon Panetta
 Chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ 

Đảm bảo tiến độ các dự án cấp điện cho miền Nam

Thủ tướng Chính phủ ra công điện yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước chỉ đạo bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, đảm bảo tiến độ hoàn thành các dự án đường dây truyền tải cấp điện cho miền Nam giai đoạn sau năm 2013. Đồng thời, phải có biện pháp xử lý đối với các trường hợp xây dựng nhà, công trình trái phép trên tuyến đường dây.

Theo kế hoạch, các dự án đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông và dự án đường dây 220kV Đăk Nông - Phước Long - Bình Long cần đảm bảo đúng tiến độ để cấp điện cho miền Nam giai đoạn sau năm 2013 theo chỉ đạo tại văn bản số 1838/TTg-KTN ngày 10/10/2011.
Hỗ trợ kinh phí nâng cấp 2 tuyến đường vận chuyển bôxít
Thủ tướng vừa đồng ý cho TKV hỗ trợ kinh phí nâng cấp 2 tuyến đường tỉnh lộ 725, tỉnh lộ 769 vào việc vận chuyển bô xít của TKV.
Đảm bảo tiến độ các dự án cấp điện cho miền Nam
Kinh phí cho Dự án sửa chữa, cải tạo, nâng cấp được hoạch toán, phân bổ vào chi phí sản xuất kinh doanh của Công ty mẹ - Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) trong thời gian 5 năm. Bộ Tài chính sẽ hướng dẫn, xử lý cụ thể, đảm bảo việc hỗ trợ, sử dụng kinh phí đúng mục đích, tiết kiệm.

Gần 200.000 tỷ đồng phát triển hệ thống đường sắt

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Kế hoạch phát triển Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giai đoạn 2012- 2015. Theo đó, năm 2015, lượng luân chuyển hàng hóa đạt 27.424 triệu tấn.km, lượng luân chuyển hành khách đạt 27.774 triệu hành khách/km; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 10%/năm trở lên.

Về hạ tầng kết cấu đường sắt, Tổng công ty sẽ đầu tư cải tạo, nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có đạt tiêu chuẩn đường sắt quốc gia cấp I, ưu tiên hoàn thành cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Thống nhất tốc độ kỹ thuật tối đa 120 km/h với tàu khách và 80 km/h với tàu hàng và tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng nhằm nâng cao năng lực vận tải và an toàn tàu chạy tàu. Hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh, đường sắt tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và Hà Nội - Đồng Đăng; khi điều kiện cho phép thì triển khai một số đoạn, tuyến được lựa chọn. 
Đoàn tàu Thống Nhất
Triển khai thực hiện và đưa vào khai thác từng phần tiến tới toàn bộ tuyến đường sắt đô thị số 1 tại thủ đô Hà Nội, đường sắt trên cao Trảng Bom - Hòa Hưng tại Thành phố Hồ Chí Minh; nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - Nội Bài. Xây dựng ga Hà Nội thành ga trung tâm của đường sắt vừa là đầu mối trung chuyển, kết nối các loại phương tiện vận tải, vừa là trung tâm dịch vụ đa năng. Tổng vốn đầu tư phát triển của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giai đoạn 2012 - 2015 dự kiến khoảng 199.598 tỷ đồng.

Quản lý ô nhiễm KCN lưu vực sông Đồng Nai, sông Nhuệ-Đáy

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt danh mục “Dự án quản lý ô nhiễm Khu công nghiệp thuộc lưu vực sông Đồng Nai, sông Nhuệ-Đáy” do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ với tổng kinh phí là 58,85 triệu USD, trong đó nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) là 55 triệu USD. Vốn đối ứng bằng tiền mặt và hiện vật (tương đương 8,85 triệu USD) được bố trí theo quy định hiện hành.

Mục tiêu của Dự án quản lý ô nhiễm Khu công nghiệp thuộc lưu vực sông Đồng Nai, sông Nhuệ-Đáy nhằm tăng cường thiết chế quản lý, kiểm soát ô nhiễm công nghiệp tại các khu công nghiệp thuộc lưu vực sông Đồng Nai và Nhuệ - Đáy; hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp phát triển khu công nghiệp thuộc 2 lưu vực sông nêu trên đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung.

Hơn 60.000 tỷ đồng điều chỉnh dự án thủy điện Sơn La 

Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định tạm phê duyệt tổng mức đầu tư điều chỉnh dự án thủy điện Sơn La với tổng mức đầu tư hơn 60.000 tỷ đồng. Dự án Thủy điện Sơn La là công trình trọng điểm quốc gia, là bậc thang thứ 2 trên sông Đà (trên là thủy điện Lai Châu, dưới là thủy điện Hòa Bình), với công suất lắp đặt 2.400 MW (gồm 6 tổ máy, mỗi tổ máy 400 MW), có công trình chính đặt tại tuyến Pa Vinh thuộc địa phận xã Ít Ong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La.
Toàn cảnh công trình thuỷ điện Sơn La
Cảnh sát biển được hưởng chế độ ưu đãi từ 1/8

Kể từ ngày 1/8 tới đây, những người công tác trong lực lượng cảnh sát biển Việt Nam sẽ được hưởng chế độ ưu đãi theo Quyết định 25/2012/QĐ-TTg vừa được Thủ tướng ký ban hành hôm 4/6.
Theo đó, hằng tháng các trường hợp nêu trên được hưởng chế độ phụ cấp công tác lâu năm tại hải đảo. Phụ cấp được tính theo hệ số lương so với mức lương tối thiểu chung và mức hưởng tùy theo thời gian làm việc của mỗi người.

Cụ thể, người làm đủ 5 năm đến 10 năm hưởng hệ số 0,2; đủ 10 năm đến dưới 15 năm hưởng hệ số 0,3 và người làm đủ 15 năm trở lên hưởng hệ số 0,4. Thời gian tính hưởng phụ cấp trên là tổng thời gian công tác ở các đảo, nếu có gián đoạn thì được cộng dồn. Ngoài ra, trong thời gian trực tiếp tham gia diễn tập, huấn luyện, tìm kiếm, cứu nạn trên biển, các đối tượng trên cũng được phụ cấp đặc thù 150.000 đồng/người/ngày thực tế đi biển.

Hỗ trợ tiền cho thôn, bản giữ rừng đặc dụng

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa ký Quyết định 24 về chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng giai đoạn 2011 - 2020. Theo Quyết định này, Nhà nước cấp kinh phí quản lý bảo vệ rừng ổn định để ban quản lý rừng đặc dụng chủ động tổ chức thuê, khoán, hợp đồng cộng đồng dân cư tại chỗ, mua sắm trang thiết bị để quản lý bảo vệ rừng.
Hỗ trợ tiền cho thôn, bản giữ rừng đặc dụng
Mức tính 100.000 đồng/ha/năm tính trên tổng diện tích được giao (mức cụ thể do cơ quan có thẩm quyền quyết định). Đồng thời, ngân sách nhà nước cũng hỗ trợ đầu tư cho cộng đồng dân cư thôn bản vùng đệm để đồng quản lý rừng đặc dụng; mức hỗ trợ mỗi thôn, bản là 40 triệu đồng/thôn, bản/năm.

Điều chỉnh tái định cư Khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa cho phép điều chỉnh khu tái định cư Khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương Formosa, tỉnh Hà Tĩnh theo mô hình đô thị loại IV, đối với diện tích 370 ha đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Đối với diện tích 266 ha còn lại, Thủ tướng đồng ý UBND tỉnh Hà Tĩnh điều chỉnh thiết kế theo tiêu chí nông thôn mới có tính đến phát triển đô thị trong tương lai.

Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính tìm nguồn tạm ứng cho tỉnh Hà Tĩnh 650 tỷ đồng để tiếp tục thực hiện Dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ và tái định cư Khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương Formosa. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thẩm định việc điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án trên. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh chịu trách nhiệm phê duyệt theo thẩm quyền, đúng quy định.

Lập Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh 

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 641/QĐ-TTg về việc thành lập Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh. Theo đó, cơ quan thường trực của Hội đồng là Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Hội đồng có nhiệm vụ tham mưu, tư vấn giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xây dựng và thực hiện chiến lược, chính sách, các chương trình, nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh... Cơ cấu thành viên của Hội đồng có 43 người do Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân làm Chủ tịch Hội đồng. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31-5-2012.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân làm Chủ tịch Hội đồng
Nhân sự Hội đồng thành viên Tổng công ty Giấy Việt Nam

Tại Quyết định 655/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm ông Hoàng Quốc Lâm, đại diện phần vốn của Tổng công ty Giấy Việt Nam tại Công ty cổ phần Giấy Thanh Hóa, Ủy viên Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty cổ phần Giấy Thanh Hóa, giữ chức Thành viên Hội đồng Thành viên Tổng công ty Giấy Việt Nam.

Bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan

Vừa qua đề án “Tăng cường năng lực quản lý, thực thi có hiệu quả pháp luật bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan đối với các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam đến năm 2015” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Phê duyệt Đề án tăng cường năng lực về bảo hộ quyền tác giả
Theo đó, sẽ từng bước ban hành các quy định về biểu giá, phương thức thanh toán tiền bản quyền; quy định về hoạt động giám định quyền tác giả, quyền liên quan... Bên cạnh đó, nâng cao năng lực của hệ thống tổ chức đại diện tập thể, xây dựng và hoàn thiện trang web, phần mềm hệ thống, cơ sở dữ liệu để quản lý tác phẩm, tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan theo tiêu chuẩn quốc tế... Đây là hành lang pháp lý để quản lý, thực thi có hiệu quả pháp luật bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan. Đồng thời, sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và các cam kết quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan...

Bách Thảo 

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

 
Powered by Blogger